Được xây dựng lần đầu năm 1914 sau sự cố chìm tàu Titanic nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các sự cố tương tự xảy ra, SOLAS đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 1929, 1948 và 1960. Cùng với đà phát triển của khoa học kĩ thuật những năm 70 thế kỉ trước, việc định kỳ sửa đổi, bổ sung Công ước để kịp với đà phát triển khoa học kĩ thuật là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc thông qua các sửa đổi (amendments) rất chậm do không đáp ứng đủ số lượng các quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước. Do đó, IMO đã đưa ra bản SOLAS 1974 bao gồm quy trình “chấp thuận ngầm” ( tacit acceptance). Theo quy trình này thì một bản sửa đổi bổ sung xem như được thông qua nếu sau một khoảng thời gian xác định không quá 1/3 số thành viên phản đối, khác với quy trình cũ (explicit acceptance) cần phải đạt được sự chấp nhận của 2/3 số thành viên. Việc đưa quy trình này vào đã giúp việc sửa đổi, cập nhật SOLAS được dễ dàng và nhanh chóng hơn, bắt kịp với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật. Đến nay, qua 1 quá trình dài xây dựng và sửa đổi bổ sung SOLAS trở thành Công ước bao phủ khá đẩy đủ các nội dung liên quan đến an toàn hàng hải, có cấu trúc bao gồm 2 phần chính:
- Phần “Quy định chung” (Article) và
- Phần chứa những nội dung liên quan đến kỹ thuật gồm 14 Chương và tích hợp nhiều Bộ luật (ISM, ISPS, LSA, III…), Nghị quyết (Resolution), Thông tri (Circular).
Việc sửa đổi bổ sung những nội dung trong phần chứa những nội dung liên quan đến kỹ thuật được tiến hành theo quy trình ”chấp thuận ngầm” để đảm bảo bắt kịp với đà phát triển của khoa học kĩ thuật trong khi việc sửa đổi, bổ sung phần “Quy định chung” khó khăn hơn nhiều (thường đỏi hỏi 2/3 số thành viên đồng ý). Hầu hết các Công ước của IMO đều được cấu trúc theo cách thức như trên để thuận tiện cho việc sửa đổi, bổ sung.