Năm 1989 , sau một loạt những vụ tràn dầu xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và môi trường; IMO đã bắt tay vào xây dựng dự thảo Công ước quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc xây dựng năng lực ứng phó, xử lý khi có sự cố ô nhiễm dầu.
Trên cơ sở đó, năm 1990, Công ước quốc tế về hợp tác, sẵn sàng và ứng phó đối với ô nhiễm dầu (OPRC, 1990) được thông qua, Công ước có hiệu lực vào năm 1995.
Bên cạnh Công ước MARPOL 73/78 giúp ngăn ngừa ô nhiễm dầu, Công ước OPRC 1990 quy định về ứng phó, xử lý khi có sự cố ô nhiễm dầu ra đời giúp IMO hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hàng hải quốc tế.
Công ước gồm 19 Điều khoản (Article) và phần Phụ lục (Annex)
Một số yêu cầu chính của Công ước :
- Các tàu dầu >150 GT và các tàu khác trên 400 GT phải có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu từ tàu.
- Các quốc gia thành viên phải xây dựng nguồn lực, năng lực (chỉ định đơn vị đầu mối, trang thiết bị, thực hiện diễn tập...) để ứng phó hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.
Việt Nam hiện chưa phải là thành viên của Công ước OPRC 1990.