Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng

Cục hàng hải Việt Nam

Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng

Đà Nẵng khởi công dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung

Vào 15/12/2022 bởi admin

Sáng 14/12, tại Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự, phát lệnh khởi công và phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền trung và 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam ngoài khu Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng tại khu vực phía bắc; khu bến Cái Mép Thị Vải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực phía nam.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm tới, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho Bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu.

Theo đó, giai đoạn đầu (đầu tư hai bến khởi động) đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của thành phố và trong khu vực.

 

Zalo
Lễ khởi công bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

 

Bến cảng Liên Chiểu có tổng diện tích 450ha, gồm các khu chức năng chính như cảng container gồm 8 bến với tổng chiều dài 2.750m; khu bến tổng hợp gồm 6 bến chiều dài 1.550m; khu bến thủy nội địa dài 1.200m; khu bến hàng lỏng/khí: 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng; khu kho bãi đường sắt kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu; khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hành chính dịch vụ; vành đai cây xanh cách ly.

Phần cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu có tổng nguồn vốn 3.426 tỷ đồng, bao gồm đê chắn sóng và kè chắn sóng dài 1.170m; luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối cho các tàu tổng hợp, hàng rời và tàu container; đường giao thông; hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến 2025.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế.

Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng-an ninh của đất nước.

Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền trung, đang từng bước được đầu tư kể cả khu bến Tiên Sa; cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) và khu bến Liên Chiểu.

Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra Biển Đông, tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á, cũng như của thế giới.

Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía đông của vùng miền trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế.

Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, cảng Đà Nẵng là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc-Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền trung.

Chủ tịch nước khẳng định, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu-phần cơ sở hạ tầng dùng chung thành phố Đà Nẵng là một hợp phần rất quan trọng của cảng Đà Nẵng.

Đây là bước đi cụ thể, thiết thực để từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền trung, các tỉnh lân cận cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, nhằm phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.

Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung.

Zalo
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng kiểm tra thực địa khu vực xây dựng bến cảng Liên Chiểu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương những kết quả phát triển kinh tế- xã hội toàn diện của thành phố Đà Nẵng, với nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn thách thức, đưa Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.

Đà Nẵng trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục-đào tạo, y tế… đều phát triển với tốc độ cao, từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội của miền trung-Tây Nguyên và của cả nước.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền Đà Nẵng, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan triển khai 5 nội dung cụ thể.

Thứ nhất, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra, giải ngân vốn đầu tư công dành cho dự án đúng kế hoạch, nhanh chóng đưa dự án đi vào vận hành, khai thác nhằm phát huy hiệu quả dự án; thực hành nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư, an toàn trong thi công, giảm thiếu các tác động đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình xây dựng

Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới.

Thứ ba, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.

Thứ tư, bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.

Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.

Chủ tịch nước cũng lưu ý đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, do đó, Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để người dân sớm ổn định cuộc sống, sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới.

Chủ tịch nước tin tưởng dự án hoàn thành sẽ là xung lực tạo đột phá cho kinh tế của Đà Nẵng cũng như mang lại cuộc sống và cơ hội việc làm tốt hơn, nhiều hơn cho nhân dân.

Theo Nhân dân