Để tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa, chiều ngày 22/4/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024.
Lãnh đạo các Bộ chuyên môn, các Sở và khách mời tham gia hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT và đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì hội nghị. Đại diện các Bộ ngành và các Vụ cục tham mưu của Bộ GTVT; lãnh đạo các Sở GTVT khu vực phía Nam và khoảng 200 doanh nghiệp cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, các hiệp hội và các chuyên gia, báo chí cùng tham dự hội nghị.
Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết: Việt Nam là một quốc gia ven biển, với lợi thế có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.
Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam. Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương.
Cụ thể, theo báo cáo tại hội nghị, vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn.km, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn tăng 13,9%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn.km tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy, đường biển tăng trưởng ấn tượng nhất với tỷ lệ lần lượt là 21%, 18,1% so với cùng kỳ.
Để đạt được kết quả này, theo Bộ Giao thông vận tải, là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội đã xây dựng được một hệ thống cảng biển, cảng thuỷ nội địa, vận tải và mạng lưới logistics bền vững.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cảng biển VIMC đã có những trao đổi, đề xuất để thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn Nguyễn Lê Chơn Tâm đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam là vị khách đầu tiên được mời trình bày tham luận.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội Cảng biển VN, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn trình bày tham luận
Ông Tâm cho biết, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. Từ 1980 đến nay, tăng trưởng từ 5 – 10%/năm. Sản lượng vận tải container tăng từ 36 triệu TEU (năm 1980) lên 237 triệu TEU (năm 2000), 545 triệu TEU (2010) và 816 triệu TEU (2020). Dự kiến đạt 978 triệu TEU vào năm 2025. Gần 60% khối lượng vận tải container qua Biển Đông.
Hàng container trung chuyển khoảng 28 – 30% tổng khối lượng hàng vận tải container toàn cầu, tương đương 274 – 293 triệu TEU (năm 2025). Đông Nam Á chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 – 88 triệu TEU (năm 2025).
Dự báo 100 triệu TEU qua eo Malacca (năm 2030). Trong khi đó, công suất các cảng trung chuyển quốc tế tại Đông nam Á khoảng 53,6 triệu TEU nên cơ hội cho các cảng mới là 28,4 – 34,4 triệu TEU…
Điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam là phải có đối tác phù hợp; đúng vị trí gần với các tuyến đường hàng hải chính toàn cầu, dễ dàng tiếp cận bằng các dịch vụ trung chuyển và biển sâu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu >15,5m tiếp nhận tàu post-panamax, bãi có thể mở rộng, trang thiết bị công suất lớn và đúng thời điểm.
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) trình bày tham luận về áp dụng các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản vào hoạt động duy tu nạo vét trước bến cảng Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Kỳ cho rằng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang áp dụng các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản vào hoạt động duy tu nạo vét ở bến cảng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Trước tháng 5/2023, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không công bố khu vực đổ chất nạo vét trên bờ, theo quy định tại khoản 2, điều 47, Nghị định 159 quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn thu và truy thu các nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản đối với vật chất nạo vét đổ lên bờ (theo phương án đổ san lấp – trên hồ sơ của doanh nghiệp).
Khi các doanh nghiệp đồng loạt gửi kiến nghị nhiều lần, các cơ quan ngành hàng hải, báo đài vào cuộc kể từ năm 2021 đến tháng 5/2023 tỉnh mới công bố khu vực đổ trên bờ.
Hiện nay, các doanh nghiệp cảng Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn phải thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản khi thực hiện duy tu nạo vét khu nước trước bến. Trên cả nước, chỉ có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát sinh vấn đề này.
Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời Bộ GTVT đưa nội dung này trong các buổi làm việc với tỉnh.
Cục Hàng hải đã có nhiều văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ GTVT và Bộ TN&MT, Cảng vụ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc này. Kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục thúc đẩy làm việc với các Bộ, ngành để sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 159 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cảng tháo gỡ khó khăn…
3 giải pháp thúc đẩy vận tải đường thủy nội địa
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, những kiến nghị đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp là nguồn tham khảo quan trọng để bộ này cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, đường thủy nội địa, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng đường thủy nội địa.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Xung đột chính trị, vũ trang xảy ra tại nhiều nước, thương mại toàn cầu yếu hay những căng thẳng ở Biển Đỏ và thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa. Chính vì vậy, việc cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa để hỗ trợ tốt hơn các nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa là rất cần thiết. Trên cơ sở các kiến nghị của hiệp hội và doanh nghiệp thông qua hội nghị này, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp thu đầy đủ và chỉ đạo cho cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện một số nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động gồm:
Tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa.
Đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng nhằm giảm thời gian và tăng cường hiệu quả hoạt động tàu thuyền trong bối cảnh giá cước vận chuyển trên các tuyến trên tăng cao.
Xem xét nghiên cứu giải pháp tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, giá các loại thu thu đối với hàng hoá tại cảng biển, nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý tuyến vận tải nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển
Về phía hiệp hội, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các hiệp hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nhằm kết nối, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động vận tải.
Về phía các doanh nghiệp, đề nghị cùng đồng hành với các bộ ngành, địa phương và hiệp hội thực hiện các giải pháp nêu trên, tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới để thúc đẩy phát triển ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa; đồng thời cần tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực giá, phí và lệ phí.