Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng

Cục hàng hải Việt Nam

Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng

CẢNG VỤ HÀNG HẢI ĐÀ NẴNG VÀ CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI VIỆT NAM TỔ THỨC HỘI THẢO GIỚI THIỆU CÔNG NGHỆ TRỘN DÒNG KHÍ NÉN - XỬ LÝ BÙN NẠO VÉT THÀNH VẬT LIỆU SAN LẤP

Vào 15/11/2022 bởi admin

Hiện nay, hoạt động khai thác tại cảng biển Đà Nẵng diễn ra ngày càng sôi động, nhu cầu tàu thuyền ra, vào giải phòng hàng hóa là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng cầu cảng, luồng hàng hải phải nhanh chóng phát triển để đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, khu vực cầu tàu, luồng hàng hải cũng như vùng vước trước bến của các cảng biển tại Đà Nẵng thường xuyên bị bồi lắng làm giảm năng suất khai thác. Theo Thông báo hàng hải số 213/2022/TBHH-TCTBĐATHHMB ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, độ sâu luồng đạt: 10.4m (mười mét bốn), không bảo đảm chuẩn tắc thiết kế theo Quyết định số 321/QĐ-CHHVN ngày  22 tháng 3 năm 2018 của Cục trưởng Cục Hàng hải về việc công bố luồng hàng hải Đà Nẵng. Để tàu thuyền có thể ra vào các cảng biển dễ dàng, nhanh chóng, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng, việc nạo vét luồng hàng hải, khu nước trước bến cảng khu vực cảng Đà Nẵng phải được thực hiện thường xuyên nhằm duy trì chuẩn tắc đã được công bố là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, việc nạo vét trong những năm qua không được tiến hành thường xuyên và định kỳ. Giai đoạn 2008-2016, tuyến luồng hàng hải Đà Nẵng thường xuyên được nạo vét duy tu bảo đảm chuẩn tắc phục vụ các tàu ra vào các cảng trên địa bàn. Từ năm 2016-2020, do các khó khăn trong việc xác định vị trí nhận chìm trên biển cũng như các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động này nên hoạt động nạo vét duy tu luồng hàng hải Đà Nẵng không thể thực hiện. Năm 2020, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng và phối hợp với các đơn có liên quan trên địa bàn để khảo sát, xác định các vị trí trên bờ có nhu cầu tiếp nhận chất nạo vét nhưng chưa tìm được vị trí phù hợp do đặc tính kỹ thuật chất nạo vét của công trình nạo vét duy tu luồng Đà Nẵng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật làm vật liệu san lấp tại các bãi tiếp nhận.   

Với những khó khăn, vướng mắc về công tác tiếp nhận chất thải nạo vét nêu trên đòi hỏi cần có công nghệ mới để làm giảm chi phí nạo vét, tăng tiến độ và hạn chế nguy cơ ô nhiễm sang khu vực lân cận. Ngày 04 tháng 11 năm 2022, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư công trình hàng hải Việt Nam (MCIC) đồng chủ trì tổ chức buổi Hội thảo “Giới thiệu công nghệ trộn dòng khí nén - xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp”. Tham dự buổi Hội thảo có các Sở, Ban, Ngành tại TP Đà Nẵng, BCH Quân sự TP Đà Nẵng, BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, các Cảng vụ hàng hải lân cận: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, các Doanh nghiệp cảng biển, các công ty liên quan đến hoạt động trục vớt, nạo vét, xây dựng, san lấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

MCIC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải với sứ mệnh “Góp phần xanh hóa ngành Hàng hải Việt Nam”, tin tưởng vào tương lai phát triển bền vững hướng ra biển, bám biển của Việt Nam. Sau 7 năm nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp và lựa chọn công nghệ, tháng 10/2022 MCIC đã chính thức hoàn thành việc chuyển giao công nghệ Ống trộn dòng khí nén với AOMI – Tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản, để sản xuất, vận hành và khai thác thành công dây chuyền hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp.

Trình bày tại Hội thảo, chuyên gia của MCIC đã giới thiệu về công nghệ trộn dòng khí nén - xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp dựa trên công nghệ lõi K-DPM với nguyên lý trộn dòng khí nén, công nghệ này đã được ứng dụng thành công trên rất nhiều dự án lớn trên thế giới ở Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Trung Quốc, Singapore … đặc biệt là các dự án: sân bay Chubu, cảng Nanao Nagoya – Nhật Bản, mở rộng sân bay nổi trên biển như Tokyo Haneda, khu phức hợp bất động sản lấn biển Marina Singapore. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay được người Nhật chuyển giao công nghệ tại Mỹ và Việt Nam

Khi ứng dụng công nghệ này, vật liệu nạo vét không còn bị nhấn chìm ra biển gây nguy cơ ô nhiễm môi trường mà trở thành vật liệu đầu vào để tạo ra một loại vật liệu tôn tạo có tính năng tùy biến, có thể đảm bảo thay thế vật liệu san lấp truyền thống là cát nhiễm mặn trong những năm qua. Sau quá trình xử lý, vật liệu đầu ra đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ lý đảm bảo dùng cho san lấp các bãi cảng, khu công nghiệp, khu đô thị lấn biển…

Các Đại điện tham dự Hội thảo đã thảo luận về tính kỹ thuật, tính khả thi của việc ứng dụng công nghệ nêu trên đối với các dự án nạo vét sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố cũng như các dự án nạo vét của các doanh nghiệp cảng biển trong thời gian tới với mong muốn các dự án nạo vét được triển khai kịp thời đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, cũng như hoạt động hàng hải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: