Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại Hội nghị |
Sáng 21/12, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất để phát triển cảng biển
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua, nhưng cán bộ, viên chức, người lao động ngành Hàng hải đã nỗ lực rất lớn, gặt hái được nhiều thành tích khích lệ. Đặc biệt là 2 khâu đột phá về thể chế và kết cấu hạ tầng hàng hải.
Theo Thứ trưởng, trong nhiều năm qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã dày công xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trên hết là Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong năm 2021, Cục cũng đã hoàn tất 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chất lượng các văn bản luôn được đặt lên hàng đầu.
Từ năm 2022, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phải rà soát Bộ Luật Hàng hải Việt Nam để có thể sửa đổi, đổi mới toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển của ngành hàng hải, đáp ứng yêu cầu đặc biệt của chiến lược phát triển kinh tế biển. Trong đó, Bộ luật phải được nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đối một cách toàn diện vào năm 2024 để có cơ sở đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2025, tiến tới năm 2026 sẽ có Bộ Luật Hàng hải mới có thể tạo bước ngoặt trong công tác quản lý.
Nhân viên cứu hộ "dũng cảm đặc biệt" Trần Văn Khôi nhận giải thưởng "Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển" - "IMO Award for Exceptional Bravery at Sea" |
Đặc biệt, trong 3 chân kiềng chính: đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải, cảng biển được xác định là một mũi quan trọng đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa đến hai chân kiềng còn lại. Thứ trưởng cũng gợi ý cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, đề xuất xây dựng riêng Luật Cảng biển để lĩnh vực mũi nhọn được phát huy, tạo động lực cho kinh tế hàng hải phát triển.
Liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết trong những năm qua, việc xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch cảng biển là một điểm sáng trong công tác quản lý về hàng hải, nhờ có được quy hoạch toàn diện và sự linh hoạt trong thực hiện quy hoạch, Việt Nam đã có hệ thống cảng biển đồng bộ trải dài cả nước. Từ đó hình thành được mạng lưới vận tải ven biển nội địa, góp phần kéo giảm số lượng hàng hóa bằng đường bộ, giảm áp lực cho đường bộ, phát huy lợi thế phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ, thân thiện môi trường. Và từ Việt Nam, hàng hóa đã có thể xuất khẩu trực tiếp trên các tuyến vận tải biển đi các nước nội Á.
“Với những đột phá về cảng biển, chúng ta đã có được tuyến vận tải biển xa từ các cảng cửa ngõ như: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, châu Âu. Sự hiệu quả trong khai thác cảng biển đã giúp Việt Nam thu hút được khoản tiền đầu tư rất lớn từ nguồn xã hội hóa. Trong tổng số 250.000 tỷ đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải trong 10 năm qua, nguồn vốn xã hội hóa huy động được chiếm tới 84%. Một kết quả đáng mừng trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp.”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, giai đoạn tới đây, ngân sách nhà nước tiếp tục được xác định sử dụng đảm bảo một phần đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, tập trung vào khu vực Cái Mép – Thị Vải, trọng tâm là Cái Mép Hạ; khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và cảng Trần Đề; Hạ tầng bến cảng sẽ tiếp tục thu hút vốn ngoài ngân sách và nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang và Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt trao Kỷ niệm chương vì sự phát triển GTVT Việt Nam cho 17 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Hàng hải |
Điểm sáng vận tải trong mùa dịch
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cho biết năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 3,04 triệu Teus, tăng 12% so với năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời,... Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hoá tổng hợp…
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng tàu biển năm 2021ước đạt 487 triệu tấn tăng gần 4%, hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện thủy nội địa ước đạt 215,7 triệu tấn giảm 3% so với năm 2020. Tuy nhiên sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện VR-SB vẫn tăng cao, ước đạt gần 69 triệu tấn, tăng 74% so với năm 2020.
Về vận tải biển quốc tế, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu đi hầu hết các thị trường trên thế giới, như Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á, trong đó một số tuyến vận tải xa điển hình: tuyến Việt Nam đi Châu Mỹ, 18 tuyến (Lạch Huyện: 02 tuyến/tuần, Cái Mép - Thị Vải: 16 tuyến/tuần); tuyến Việt Nam đi Châu Âu 02 tuyến/tuần (02 tuyến/tuần tại cảng Cái Mép - Thị Vải); tuyến Việt Nam đi Châu Á, Châu Phi, Châu Úc (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…).
“Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng 54% (khoảng 4,67 triệu tấn) so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng hiếm có, chủ yếu vận tải các tuyến như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu”, Phó cục trưởng cho biết thêm.
Nguồn: Tạp chí GTVT